Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Lẩu Cá Bớp

Không quá cầu kỳ, nguyên liệu lại đơn giản, các cách nấu lẩu cá bớp từ Nghề Bếp Á Âu sẽ giúp bạn có một món ngon, hấp dẫn mà không cần tốn nhiều thời gian. Đây là món ăn hội tụ đầy đủ hương vị mà ai cũng thèm. Không những tốt cho sức khỏe, cá bớp còn giúp bạn có trải nghiệm ẩm thực mới lạ bởi sự ngọt, dai, giòn đặc trưng từ thịt cá không lẫn vào đâu được.

món lẩu cá bóp

Lẩu cá bớp có cách nấu đơn giản, dễ thực hiện. Ảnh: Internet

Cá bớp tốt cho sức khỏe như thế nào?

Cá bớp là thực phẩm chứa nhiều protein, omega-3, iốt, phốt pho, canxi… Vì vậy mà nó rất được ưa chuộng trong chế biến món ăn bởi những tác động tích cực đối với tim mạch, giúp trị nhức mỏi gân xương. Trẻ em người lớn tỳ vị hư, tiêu hóa kém, người khí huyết hư đều dùng cá bớp được.

nguyên liệu Cá bớp

Cá bớp là thực phẩm thơm ngon, có nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet

Cách nấu lẩu cá bớp măng chua

Cá bớp mua về làm sạch, xát muối khắp mình cá để khử tanh và cắt thành từng khứa vừa ăn. Ướp cá với chút hạt nêm, tiêu, thì là cắt nhỏ. Xương heo làm sạch đem hầm lấy nước dùng.

Đặt nồi lên bếp, đun nóng dầu ăn và phi thơm tỏi. Cho cà chua cắt múi cau vào xào, tiếp tục là măng chua xé sợi đã trụng sơ qua với nước sôi cùng ít sa tế để tạo màu hấp dẫn. Sau đó, bạn cho nước hầm xương vào cùng cá bớp đã sơ chế, nấu chín nguyên liệu và nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Bày lẩu ra cùng bún, mì tôm, ăn kèm rau xanh, nước mắm ớt là ngon tuyệt vời.

Cá bớp và măng chua

Cá bớp và măng chua là sự kết hợp độc đáo mang đến cảm giác kích thích, hấp dẫn. Ảnh: Internet

Cách nấu lẩu cá bóp chua cay không tanh

Cá bớp làm sạch, đem ướp với chút nước mắm và tiêu xay trong vòng 30 phút cho ngấm gia vị.

Xương heo làm sạch, đem hầm lấy nước dùng.

Đặt nồi lên bếp, đun nóng dầu ăn và phi sả khúc cho thơm, tiến hành xào khóm và nấm rơm. Sau đó bạn cho nước hầm xương vào nồi cùng ớt băm, cà chua cắt múi cau và nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng, cho cá bớp đã ướp vào cùng ít rau thơm cắt nhỏ, nấu thêm 3 phút và tắt bếp. Bày lẩu ra ăn kèm rau sống, bún hoặc mì tôm,…

Vị cay, chua từ món lẩu

Vị cay, chua từ món lẩu này sẽ khiến bạn kích thích chỉ muốn ăn mãi không thôi. Ảnh: Internet

Cách nấu lẩu cá bớp lá giang thơm ngon khó cưỡng

Cá bớp làm sạch, cắt khúc hoặc lóc xương tùy thích. Hải sản như tôm, mực, nghêu làm sạch, bày ra đĩa cùng cá. Xương heo chà xát muối cho sạch rồi đem hầm lấy nước dùng. Lá giang nhặt lấy lá ngon, rửa sạch, xé nhỏ. Khoai môn làm sạch, cắt khúc, chiên vàng.

Đặt nồi lên bếp, đun nóng dầu ăn và phi thơm hành tím băm cho thơm vàng. Tiến hành xào hành tây, cà chua cắt múi cau và nấm rơm. Sau đó, bạn cho nước hầm xương vào. Khi thấy nước dùng sôi, bạn tiếp tục cho khoai môn, lá giang xé nhỏ vào và nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.

Khi thấy các nguyên liệu đã chín mềm, bạn múc lẩu vào nồi nhỏ, bày ra cùng đĩa rau sống, hải sản và cá bớp. Ăn đến đâu, trụng đến đó cực kỳ hấp dẫn và thơm ngon.

Cá bớp phù hợp với nhiều kiểu lẩu

Cá bớp phù hợp với nhiều kiểu lẩu. Ảnh: Internet

Cách nấu lẩu Thái cá bớp siêu hấp dẫn

Mực làm sạch, cắt miếng vừa ăn và đem ướp với chút thì là băm nhỏ. Tôm, nghêu làm sạch. Cá bớp làm sạch, ướp với chút nước mắm, tiêu xay, thì là cho thơm. Bày cá, hải sản ra đĩa cho đẹp mắt.

Xương heo mua về sơ chế sạch và đem hầm để lấy nước dùng.

Đặt nồi lên bếp, đun nóng dầu ăn và phi tỏi, sả băm cho thơm vàng. Tiếp tục cho cà chua cắt múi cau vào xào cùng ít lá chanh cắt nhỏ, hành tây cắt múi cau, 1 gói lẩu Thái để dậy mùi nước lẩu.

Sau đó bạn cho nước hầm xương vào nồi, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Khi thấy nước lẩu sôi, bạn cho ít rau thơm cắt nhỏ vào rồi tắt bếp. Múc lẩu vào nồi nhỏ, bày ra cùng đĩa hải sản, rau sống ăn kèm. Nhìn tổng thể món ăn rất bắt mắt với mùi thơm vô cùng kích thích.

món lẩu Thái cá bớp

Với các bước đơn giản, bạn đã có ngay món lẩu Thái cá bớp đầy hấp dẫn, thơm ngon. Ảnh: Internet

Lẩu cá bớp ăn với rau gì ngon?

Khi thưởng lẩu cá bớp, người ta thường dùng kèm các loại rau như: rau muống, hoa chuối bào, rau cải, rau cần,… Tuy nhiên, tùy sở thích mà bạn có thể kết hợp cùng những loại rau khác.

Rau xanh nhiều vitamin và chất xơ, bên cạnh việc cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể, rau xanh còn giúp lẩu cá bớp thêm trọn vẹn hương vị và thanh mát.

Cách nấu lẩu cá bớp đơn giản. Với vị ngọt xương tự nhiên hòa quyện cùng các nguyên liệu tươi mới và cá bớp thơm, giòn, đây sẽ là món ăn khiến bạn phải ngất ngây.

Nếu muốn học thêm nhiều công thức nấu ăn ngon, hãy tham gia lớp học tại Nghề Bếp Á Âu. Để đăng ký, bạn có thể điền thông tin vào form bên dưới hoặc gọi đến số điện thoại (0236) 3953 988 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn nhé!

The post Lẩu Cá Bớp appeared first on Nghề Bếp Á Âu.



from Trường dạy nấu ăn, pha chế, làm bánh Hướng Nghiệp Á Âu https://nghebep.com/ca-bop

Cơm Chiên Cá Mặn

Cơm chiên cá mặn là món ăn được biến tấu từ cơm chiên truyền thống. Đây là món cơm rất phổ biến ở miền Nam, vừa ngon vừa dễ chế biến nên được nhiều người yêu thích. Cơm chiên cá mặn hấp dẫn bởi màu sắc đẹp mắt cùng hương vị đậm đà ngon miệng. Hãy cùng chuyên mục các món ăn dân dã 3 miền vào bếp học cách làm cơm chiên cá mặn cực đơn giản ngay sau đây.

món cơm chiên cá mặn

Cơm chiên cá mặn là một món ngon độc đáo

Cơm chiên cá mặn hấp dẫn thực khách bởi hương vị đặc trưng của khô cá mặn, thơm bùi vị trứng, ăn ngon mà không hề ngán. Món ăn này có nguồn gốc từ thành phố biển Vũng Tàu và nay đã lan rộng ra mọi miền. Bạn có thể bắt gặp món cơm chiên này ở khắp mọi nơi, từ những quán ăn nhỏ, bình dân cho tới những nhà hàng sang trọng. Với công thức mà Nghề Bếp Á Âu (NBAAu) sắp chia sẻ, đảm bảo bạn sẽ biết cách làm cơm chiên cá mặn ngon như ngoài hàng, chuẩn vị Nam Bộ.

Cá mặn là cá gì?

Cá mặn là cá đù, cá sủ, cá thu hay cá chét tươi được ướp muối nguyên con và đem phơi nắng làm khô cá. Đây là hình thức giữ cá để dành ăn lâu ngày của người Việt gốc Tiều. Cá mặn ngon là con cá có độ khô mà vẫn mềm, thịt cá săn lại, khứa ra thấy thịt có màu đỏ hồng, không có mùi hôi tanh. Đem cá xé nhỏ, lọc xương rồi trộn với các nguyên liệu khác để làm nên món cơm chiên đậm đà hương vị và giàu dinh dưỡng.

cá mặn có vị mặn

Cá mặn có vị mặn vừa phải, bùi, béo làm món gì cũng ngon. Ảnh: Internet

Mua cá mặn ở đâu?

Cá mặn được bán khá phổ biến trên thị trường nên bạn có thể dễ dàng mua được loại cá này ở các chợ, siêu thị, cửa hàng hải sản trên toàn quốc. Nếu muốn mua cá mặn ở TP. HCM, bạn có thể đến chợ Hồ Thị Kỷ (hay còn gọi là chợ Campuchia), ở đây có nhiều loại khô đặc sản được chế biến từ cá đánh bắt tự nhiên nên thịt ngon, ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Giá tham khảo từ 250.000 – 450.000 đồng/kg.

Bạn cũng có thể mua loại cá này trên các website bán hàng online như: Khô cá Bà Giáo Khỏe 55555, Khô cá miền Tây, Chợ đồ khô,…

Cách làm cơm chiên cá mặn ngon chuẩn vị miền Nam

Nguyên liệu

  • Cơm trắng: 300g
  • Khô cá mặn: 100g
  • Hành lá: 30g
  • Tỏi: 1 củ
  • Trứng gà: 1 quả
  • Gia vị: dầu ăn, hạt nêm, đường,…

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Cách làm cơm chiên cá mặn ngon tại nhà

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Tỏi bóc vỏ, rửa sạch và băm nhỏ.

Hành lá rửa sạch, để ráo và cắt nhỏ.

Khô cá cắt thành khúc, đem ngâm trong nước nóng từ 45 – 60 phút cho cá mềm và bớt mặn. Sau khi ngâm, đem cá rửa lại thật sạch với nước rồi tách xương và xé nhỏ cá. Bạn xé cá càng nhỏ, càng mỏng món ăn sẽ càng ngon.

Cắt nhỏ hành lá

Cắt nhỏ hành lá

Bước 2: Chiên cá

Đặt chảo lên bếp, khi chảo nóng bạn cho dầu ăn vào, tráng đều mặt chảo. Tiếp đến, cho tỏi băm nhỏ vào phi thơm. Khi tỏi vàng, bạn cho cá đã xé vào chiên cho chín vàng, thêm vào 20g đường, đảo đều rồi trút cá đĩa, để riêng.

Chiên cá cho vàng giòn

Chiên cá cho vàng giòn

Bước 3: Chiên cơm

Tiếp tục cho tỏi vào phi thơm, đập trứng gà vào, đánh tan. Sau đó, bạn cho cơm vào chiên cùng, đảo đều tay để trứng quyện với cơm và hạt cơm tơi ra.

Nêm vào chảo ít nước mắm và hạt nêm để cơm chiên được đậm vị. Chiên đến khi cơm săn lại thì bạn thêm hành lá cắt nhỏ vào, trộn đều và tắt bếp.

Cho hành lá vào đảo đều

Cho hành lá vào đảo đều trước khi tắt bếp

Dọn cơm ra đĩa, rắc chút tiêu xay và trang trí với vài cọng ngò cho đẹp mắt. Thưởng thức món ăn với nước tương có thêm ớt cắt lát.

cách làm cơm chiên cá mặn ngon

Hoàn thành cách làm cơm chiên cá mặn chỉ trong 3 bước đơn giản

Bí quyết để có món cơm chiên giòn ngon

  • Để món cơm chiên cá mặn thêm ngon, bạn nên dùng cơm càng nguội tốt. Nếu hạt cơm nhão sẽ làm cơm mất ngon và không đúng vị.
  • Cơm sau khi nấu xong thì đổ ra giá cho cơm bay hơi bớt và nhanh nguội. Sau đó, để qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh cho hạt cơm se vào, khi chiên sẽ ngon hơn rất nhiều.
  • Trước khi chiên, bóp đều cơm với lòng trắng trứng sẽ giúp hạt cơm vừa dẻo vừa tơi.
  • Với cá khô, bạn chọn cá dày thịt, ít xương và cá càng mặn thì món cơm chiên sẽ càng đậm đà.
  • Lưu ý, vì cá đã mặn nên khi nêm nếm gia vị, bạn chỉ cho thật ít. Nếu ăn nhạt thì không cần thêm gia vị cũng được.

Cơm chiên cá mặn với nguyên liệu dễ tìm mà cách làm lại không hề phức tạp. Bạn có thể tận dụng cơm nguội từ bữa ăn trước để làm món cơm chiên cá mặn cho bữa sáng. Món ăn tuy đơn giản nhưng đầy đủ dưỡng chất để bắt đầu ngày mới đầy năng lượng. Chúc các bạn thành công với cách làm cơm chiên cá mặn mà NBAAu vừa chia sẻ.

Đừng quên điền thông tin vào form bên dưới nếu có ý định học bí quyết chế biến các món cơm chiên hấp dẫn khác từ Bếp trưởng giàu kinh nghiệm để mở quán kinh doanh thành công. Đảm bảo sau khóa học bạn sẽ tự tin với tay nghề của mình và làm được những món cơm chiên chuẩn vị, chinh phục mọi thực khách.

The post Cơm Chiên Cá Mặn appeared first on Nghề Bếp Á Âu.



from Trường dạy nấu ăn, pha chế, làm bánh Hướng Nghiệp Á Âu https://nghebep.com/com-chien-ca-man

Hàu Nướng Phô Mai Mỡ Hành

Hàu nướng phô mai là phiên bản ẩm thực hút khách nhờ hương vị béo, thơm, kích thích vị giác. Điểm nhấn của món ăn là sự kết hợp giữa phô mai thơm béo phủ đầy lên thịt hàu mọng sữa. Đặc biệt, thưởng thức khi còn nóng sẽ cảm nhận được vị ngọt của hàu cùng phô mai tan chảy kéo sợi vô cùng hấp dẫn. Bạn có thể học cách làm hàu nướng phô mai ngon như ngoài tiệm theo công thức trong bài viết này.

Hàu nướng phô mai

Hàu nướng phô mai thơm ngon, bổ dưỡng. Ảnh: Internet

Hàu được biết đến là thực phẩm có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Thị hàu có vị mặn, tính mát, không độc hại, có tác dụng bổ thận, cải thiện chứng mất ngủ, người thiếu máu ăn hàu cũng rất tốt. Nếu bạn là một tín đồ đam mê hải sản, đừng bỏ qua món hàu nướng phô mai mang hương vị đậm đà của biển cả, chỉ cần nếm thử một lần bảo đảm không bao giờ quên. Cùng vào bếp với Nghề Bếp Á Âu để học cách làm hàu nướng phô mai ngon tuyệt chiêu đãi cả nhà dịp cuối tuần này nhé.

hàu tốt cho sức khỏe

Hàu nổi tiếng với những giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet

Nguyên liệu chuẩn bị

  • Hàu tươi: 1kg
  • Phô mai Mozzarella: 100g
  • Sữa tươi không đường: 500ml
  • Trứng gà: 1 quả
  • Hành tây: 1 củ nhỏ
  • Chanh vàng: 1 quả
  • Nấm mỡ: 100g
  • Bơ lạt: 20g
  • Bột mì: 30g
  • Gia vị: tiêu trắng, muối, lá nguyệt quế khô, đinh hương

Cách làm hàu nướng phô mai ngon

Bước 1: Sơ chế hàu

Hàu khi mua về bạn làm sạch phần đất cát bám bên ngoài vỏ. Sau đó, dùng dao nhọn, tách hàu ra làm đôi, rửa sơ thịt hàu với nước. Bạn có thể cho hàu vào tủ lạnh một lúc để hàu há miệng sẽ dễ tách vỏ hơn.

tách vỏ hàu

Tách vỏ hàu

Đun nóng 500ml nước, thêm vào 20ml rượu vang trắng. Lần lượt nhúng từng con hàu vào chần sơ trong nước nóng để làm sạch và khử mùi hôi của hàu. Lấy hàu ra cho ngay vào thau nước đá lạnh.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại

  • Phô mai bào sợi. Trứng gà tách bỏ lòng trắng, lấy lòng đỏ.
  • Hành tây lột vỏ, 1/2 củ cắt hạt lựu lớn để nấu xốt, 1/2 còn lại băm nhỏ để xào chung với nấm.
  • Ngâm nấm mỡ vào nước muối pha loãng khoảng 10 phút, rửa lại với nước sạch rồi vớt ra để ráo. Bước này sẽ giúp loại bỏ chất bẩn và độc tố trong nấm. Cắt nấm thành lát mỏng.

Lưu ý: Ngoài nấm mỡ, bạn có thể sử dụng nấm đùi gà hay nấm bào ngư cũng được.

Cắt mỏng nấm mỡ

Cắt mỏng nấm mỡ

Bước 3: Nấu xốt

Bắc nồi lên bếp, cho bơ lạt vào nấu tan chảy hoàn toàn, tiếp tục thêm bột mì và khuấy đều bằng phới để hỗn hợp hòa quyện. Đổ từ từ sữa tươi vào nồi, vừa đổ vừa khuấy liên tục. Tiếp đến, bạn cho 1 lá nguyệt quế khô và 1 nụ đinh hương vào xốt để tạo hương. Sau đó, cho hành tây cắt hạt lựu vào để xốt có vị thơm ngọt.

Nấu xốt trên lửa nhỏ, không quên khuấy liên tục và đều tay để xốt không bị cháy dưới đáy nồi. Khi thấy hỗn hợp hòa quyện, xốt sánh mịn, hành tây trong lại và có mùi thơm thì nhắc xuống. Lọc hỗn hợp qua rây để lấy phần nước xốt, bỏ xác.

Cho xốt vào nồi đun nóng lại, thêm 15g phô mai bào sợi, lòng đỏ trứng và 1/4 muỗng cà phê muối vào nồi. Khuấy đều đến khi phô mai tan hoàn toàn thì tắt bếp, để nguội.

Khuấy đều xốt

Khuấy đều xốt trên lửa nhỏ

Bước 4: Xào nấm

Làm nóng chảo với 1 muỗng cà phê dầu ăn, cho hành tây băm nhỏ vào phi thơm rồi cho nấm mỡ xào. Nêm vào chảo nấm 20ml vang trắng, đảo đều cho nấm thấm rượu và quyện đều với hành tây. Cho hàu vào đảo nhanh trong 10 giây rồi tắt bếp.

Xào nấm với rượu vang trắng

Xào nấm với rượu vang trắng cho dậy mùi thơm

Bước 5: Nướng hàu

Chuẩn bị một khay muối hột để khi xếp hàu lên sẽ tạo được độ cân bằng, không bị đổ xốt khi cho vào đút lò.

Xếp vỏ hàu vào khay muối, cho nấm mỡ đã xào vào rồi đặt con hàu lên trên. Kế đến, rưới nước xốt vào sao cho phủ kín hàu, rắc lên trên mặt thêm một ít phô mai bào và ngò tây cho món ăn thêm thơm ngon, béo ngậy.

Làm nóng lò ở 220 độ C trong 10 phút, sau đó cho hàu vào nướng trong khoảng 5 – 7 phút là được.

Rưới nước xốt

Rưới nước xốt phủ kín hàu

Với cách làm đơn giản lại không tốn quá nhiều thời gian, bạn đã có ngay một món ăn với vị ngon ngọt của thịt hàu, béo ngậy của phô mai và ngọt thanh của nấm rất hấp dẫn. Khó ai có thể cưỡng lại hương vị thơm ngon của món ăn này. Chần chừ gì nữa mà chưa học ngay cách làm hàu nướng phô mai để thưởng thức và chiêu đãi mọi người. Chúc bạn thực hiện thành công.

Hàu nướng phô mai nóng

Hàu nướng phô mai nóng hổi vô cùng hấp dẫn

Đừng quên để lại thông tin vào form bên dưới hoặc gọi đến số 1800 6148 (miễn phí cước gọi) nếu muốn biết thêm nhiều món hải sản đặc sắc khác với công thức từ các Bếp trưởng chuyên nghiệp. Bạn sẽ được học cách chế biến những món ăn ngon, chuẩn vị và trang trí bắt mắt làm hài lòng thực khách.

The post Hàu Nướng Phô Mai Mỡ Hành appeared first on Nghề Bếp Á Âu.



from Trường dạy nấu ăn, pha chế, làm bánh Hướng Nghiệp Á Âu https://nghebep.com/hau-nuong-pho-mai-mo-hanh

Nghêu Hấp Sả

Nghêu hấp sả có vị cay của ớt, thơm của sả và ngọt từ nghêu, rất hấp dẫn. Món ăn tuy thực hiện đơn giản nhưng muốn ngon bạn cần phải có công thức chuẩn cũng như một vài bí quyết nhỏ. Cùng khám phá cách làm nghêu hấp sả thơm ngon, hấp dẫn chỉ trong vài phút.

Nghêu hấp sả

Nghêu hấp sả là món ăn chinh phục nhiều thực khách. Ảnh: Internet

Nghêu là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon nên rất được ưa chuộng. Thịt nghêu dùng làm nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon như: bún nghêu chua cay thì là, canh gà nấu nghêu, nghêu xốt chua ngọt,… Trong đó, nghêu hấp sả là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Trên các trang mạng dạy nấu ăn hiện có rất nhiều công thức chế biến món ăn này. Tuy nhiên, không phải đâu cũng chỉ cho bạn những bí quyết để tạo nên hương vị thơm ngon nhất cho món ăn như chuyên mục món ăn ngon của Nghề Bếp Á Âu chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Giá trị dinh dưỡng từ nghêu

Trong 100g thịt nghêu có chứa:

  • Chất đạm: 10,8g
  • Chất béo: 1,6g
  • Kẽm: 180mg
  • Sắt: 24mg

Cùng nhiều nguyên tố vi lượng khác như calcium, mangan, đồng, i-ốt, selen… và các vitamin B1, B6, B12, C.

nghêu tốt cho sức khỏe

Nghêu mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe con người. Ảnh: Internet

Các món ăn từ nghêu chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, giúp cơ thể bổ sung nhiều chất và tăng cường khả năng chống bệnh. Nghêu giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer và bệnh thiếu máu, chống bệnh viêm khớp, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều tiết nồng độ đường trong máu, giúp răng lợi khỏe mạnh, tốt cho người ăn kiêng và bệnh tim,…

Tuy nhiên, những người tì vị hư hàn, thường đi tiêu lỏng, ăn uống kém, bụng đầy hơi, khó tiêu thì không nên ăn nghêu.

Cách lựa nghêu tươi ngon

  • Bạn chọn những con nghêu có vỏ cứng, khép miệng, cầm nặng tay. Nếu nghêu nhẹ tênh, dùng tay tách ra dễ dàng là nghêu đã chết.
  • Đối với nghêu há miệng, nếu chạm tay vào mà chúng di chuyển hoặc khép miệng lại thì đó là nghêu còn tươi sống.

Lựa được nghêu tươi sống

Lựa được nghêu tươi sống sẽ mang lại món ăn chuẩn vị. Ảnh: Internet

Cách làm nghêu hấp sả ngon

Nguyên liệu

  • Nghêu: 1kg
  • Sả cây: 10 nhánh
  • Hành lá: 100g
  • Gừng: 30g
  • Tỏi: 1 củ
  • Ớt tươi: 5 quả
  • Chanh: 2 quả
  • Gia vị: nước mắm, đường, bột ngọt

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Nghêu đem ngâm với nước muối ớt pha loãng trong khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ cho nhả hết sạch đất cát rồi mang rửa sạch và vớt ra rổ để ráo.

Ngâm nghêu với nước muối ớt

Ngâm nghêu với nước muối ớt. Ảnh: Internet

  • Tỏi lột bỏ lớp vỏ khô bên ngoài, đem băm nhuyễn.
  • Ớt tươi rửa sạch, cắt dọc phần thân, bỏ hết hạt và băm nhuyễn.
  • Sả bỏ lớp vỏ bên ngoài, cắt khúc rồi đập dập.
  • Gừng cạo sạch vỏ, rửa sạch và cắt mỏng.

Sơ chế tỏi, ớt, sả và gừng

Sơ chế tỏi, ớt, sả và gừng. Ảnh: Internet

Bước 2: Hấp nghêu sả

  • Chuẩn bị một nồi có kích thước vừa phải, xếp những nhánh sả đã đập dập vào dưới đáy rồi cho nghêu lên. Thêm vào nồi 1 muỗng ớt băm nhỏ, 1 muỗng đường, 2 muỗng nước mắm và 150ml nước lọc.
  • Bắc nồi lên bếp, đậy kín vung, đun lửa vừa cho đến khi nước sôi, nghêu mở miệng, xóc đều và tắt bếp.

Hấp nghêu

Hấp nghêu từ 5 – 10 phút. Ảnh: Internet

Bước 3: Làm nước chấm

Pha nước mắm chấm nghêu theo công thức: 2 muỗng canh nước mắm, 3 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cà phê ớt băm, 1/3 muỗng cà phê tỏi băm, 1/6 muỗng cà phê bột ngọt, 1/4 muỗng cà phê gừng băm nhuyễn và nước cốt của 2 trái chanh. Trộn đều cho các gia vị hòa quyện vào nhau rồi dọn ra ăn kèm với nghêu.

Pha nước mắm chấm

Pha nước mắm chấm. Ảnh: Internet

Bước 4: Trình bày và thưởng thức

  • Múc nghêu ra thố, trang trí cùng hành lá, ớt tươi. Dùng nóng với nước mắm chua ngọt đã pha và ăn kèm rau răm.
  • Nghêu hấp sả nóng hổi, thơm ngon, đánh thức vị giác người dùng. Món ăn thơm lừng hương sả, đồng thời vẫn giữ được vị tươi ngon, thanh mát của nghêu khiến bạn càng ăn càng thích.

Nghêu hấp sả nóng hổi

Nghêu hấp sả nóng hổi, thơm phức. Ảnh: Internet

Bí quyết cho món ăn tròn vị

  • Sau khi ngâm nghêu đủ thời gian, bạn nên dùng khăn lau sạch và lựa thật kỹ những con nghêu chết để loại bỏ. Nếu để sót nghêu thối thì hương vị của cả nồi nghêu sẽ bị ảnh hưởng.
  • Gừng, sả, chanh là những gia vị không thể thiếu giúp khử sạch mùi tanh và làm cho nồi nghêu mang hương vị hấp dẫn.
  • Khi luộc nghêu không nên cho quá nhiều nước vì sẽ làm cho nước nghêu không còn giữ được độ ngọt. Cũng không cho quá ít sẽ làm nghêu chín không đều và nước có thể bị mặn.
  • Đun ở nhiệt độ 700 – 900 độ C thì sau khoảng 5 – 10 phút là nghêu đã chín. Khi nước hấp nghêu sôi và trào ra, bạn nên tắt bếp và đem xuống dùng luôn. Nếu đun quá lâu, nghêu sẽ bị mất nước, teo lại, làm giảm độ ngon của món ăn.

Các món ngon từ nghêu

Với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên nghêu còn được chế biến ra nhiều món ngon đặc sắc khác như:

  • Nghêu hấp Thái
  • Nghêu hấp dứa
  • Nghêu hấp bia
  • Nghêu hấp nước dừa
  • Nghêu xào sả ớt
  • Nghêu xào bơ tỏi
  • Nghêu xào lá quế
  • Nghêu rang me
  • Canh nghêu nấu chua
  • Canh nghêu thì là
  • Canh nghêu mồng tơi
  • Cháo nghêu

Nghêu hấp Thái chua cay

Nghêu hấp Thái chua cay, lạ miệng

Chúc bạn thực hiện thành công cách làm nghêu hấp sả và thưởng thức ngon miệng cùng gia đình, bạn bè. Đừng quên theo dõi nghebep.com để cập nhật cho mình những kiến thức nấu ăn thú vị hay những công thức nấu ăn mới nhất.

Ngoài ra, bạn có thể đăng ký một khóa học chế biến các món ăn từ nghêu hay các loại hải sản khác để làm phong phú bữa ăn gia đình hay kinh doanh ẩm thực. Điền vào form bên dưới hoặc gọi đến tổng đài 1800 6148 (miễn phí cước gọi) để nhận thông tin chi tiết về các khóa học của chúng tôi.

The post Nghêu Hấp Sả appeared first on Nghề Bếp Á Âu.



from Trường dạy nấu ăn, pha chế, làm bánh Hướng Nghiệp Á Âu https://nghebep.com/ngheu-hap-sa

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

Lẩu Riêu Cua Bắp Bò

Lẩu riêu cua bắp bò là món ăn khoái khẩu của nhiều người bởi hương vị thơm ngon, hấp dẫn cùng cách nấu dễ dàng. Để giúp bạn thực hiện món ăn này thành công, Nghề Bếp Á Âu sẽ chia sẻ các bước thực hiện cùng cách lựa chọn nguyên liệu sao cho lẩu riêu cua bắp bò được bung tỏa trọn vẹn hương vị nhất.

lẩu riêu cua bắp bò

Lẩu riêu cua bắp bò là món ăn hấp dẫn với hương vị không thể chối từ. Ảnh: Internet

Cách chọn bắp bò ngon

Bắp rùa là sự lựa chọn hoàn hảo cho món lẩu này. Vì đây là phần ngon nhất của con bò. Bắp rùa mềm, thơm, có độ dai vừa phải nên khi nhúng lẩu sẽ mang đến hương vị ngon không thể cưỡng.

nguyên liệu bắp rùa

Bắp rùa là sự lựa chọn hoàn hảo cho món ăn này. Ảnh: Internet

Cách chọn cua đồng ngon

Khi mua, bạn nên chọn những con cua khỏe, có thể di chuyển nhanh, còn đủ chân và sủi bọt khí. Lật ngửa sờ vào yếm thấy cứng và chắc tay thì đó là cua còn khỏe, tươi, nhiều thịt, phù hợp để nấu lẩu riêu cua bắp bò.

cách chọn cua đồng ngon

Bạn cần biết cách chọn cua đồng để món ăn hấp dẫn hơn. Ảnh: Internet

Lẩu riêu cua bắp bò ăn với rau gì ngon?

Khi nhắc đến món lẩu riêu cua bắp bò, chúng ta phải nghĩ ngay đến các loại rau ăn kèm như: rau muống, hoa chuối bào, rau nhút, giá đỗ… Đây đều là những loại rau giúp tăng thêm sự thanh mát và ngon miệng cho món ăn. Bên cạnh đó, bạn có thể cho thêm rau theo sở thích cũng được.

Cách nấu lẩu riêu cua bắp bò đơn giản

Nguyên liệu

  • Bắp bò: 500g
  • Cua đồng: 1,5kg
  • Sườn sụn: 600g
  • Đậu phụ: 5 miếng
  • Cà chua: 3 trái
  • Bún tươi
  • Cơm mẻ
  • Vài củ hành tím
  • Hành lá
  • Rau sống ăn kèm: hoa chuối, rau muống bào, giá đậu,… làm sạch và để ráo nước
  • Gia vị cần thiết: Đường, hạt nêm, nước mắm, mắm tôm,…

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế sườn sụn và đem ninh

  • Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
  • Sườn sụn mua về chà xát với muối cho bớt mùi tanh, rửa sạch và chặt khúc vừa ăn. Tiến hành ướp sườn với một ít hành tím băm rồi đem ninh 30 phút cho chín mềm.

nước hầm từ sườn

Nước hầm từ sườn mang đến vị thanh ngọt cho món lẩu. Ảnh: Internet

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

  • Hành lá nhặt sạch phần gốc, bỏ lá già, rửa kỹ và cắt khúc.
  • Cà chua rửa sạch, cắt múi cau.
  • Bắp bò chà xát với muối, sau đó rửa lại cho sạch, tiến hành cắt thành từng miếng nhỏ, vừa ăn, bày ra đĩa.

cắt bắp bò thành từng miếng

Cắt bắp bò thành từng miếng vừa ăn. Ảnh: Internet

  • Cho nước vào chén mẻ, ngấu và lọc lấy khoảng 2/3 chén nước.
  • Đậu phụ rửa sạch, cắt thành từng miếng vuông nhỏ, chiên vàng và bày ra đĩa.

Bước 3: Sơ chế và làm riêu cua

Cua đồng bạn nên mua trước và ngâm với nước khoảng vài tiếng để nhả bùn đất. Sau đó rửa sạch, tiến hành gở mai cua, dùng muỗng nạo lấy phần gạch ra chén riêng, phần cua còn lại đem đi xay hoặc giã nhuyễn.

Cho nước vào phần cua vừa xay nhuyễn, đảo nhẹ nhàng cho phần thịt tan, sau đó lọc qua ray để bỏ phần xác. Lặp lại bước này nhiều lần để lấy khoảng 1,5 lít nước cua.

lọc nước cua không cặn bã

Nên lọc lại nhiều lần để nước cua không còn cặn bã. Ảnh: Internet

Cho vào nồi nước cua vừa lọc 1 muỗng canh mắm tôm và đặt lên bếp nấu, dùng mui khuấy nhẹ tay để thịt cua kết lại thành riêu và nổi lên.

Bạn nên vớt riêu cua ra tô, ăn đến đâu thả vào đến đó để riêu không bị vỡ.

riêu cua

Riêu cua nổi lên khi nước sôi. Ảnh: Internet

Bước 4: Xào gạch cua

Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn và phi thơm vàng hành tím băm. Cho phần gạch cua vào xào chín, nêm thêm ½ muỗng canh nước mắm rồi trút ra tô. Sau đó, cho cà chua vào xào sơ chín và tắt bếp.

gạch cua

Gạch cua giúp nồi lẩu trong bắt mắt và hương vị đậm đà hơn. Ảnh: Internet

Bước 5: Nấu nước lẩu

Nước ninh sườn sau khi hoàn thành, bạn vớt sườn sụn ra tô riêng và cho nước dùng cua vừa nấu ở bước 3 vào, tiếp tục nấu sôi. Tiến hành cho cà chua xào vào cùng chén nước mẻ, gạch cua xào, 1,5 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt, khuấy đều để nước lẩu dậy màu. Nêm nếm một lần nữa cho vừa ăn và tắt bếp.

nước lẫu riêu cua

Nước lẩu thơm ngon, đậm đà. Ảnh: Internet

Bước 6: Trình bày và thưởng thức

Khi nước lẩu vừa xong, bạn múc ra nồi nhỏ. Lúc ăn cho hành lá, gốc hành, đậu phụ chiên vàng vào để nồi lẩu thêm sinh động. Dùng đến đâu thì nhúng thịt bò, rau sống ăn kèm, bún và sườn sụn giòn mềm đến đó.

cách nấu lẫu riêu cua đơn giản

Lẩu riêu cua bắp bò có cách nấu đơn giản. Ảnh: Internet

Một số lưu ý khi nấu lẩu riêu cua bắp bò

  • Nguyên liệu cần sơ chế thật kỹ để món ăn có hương vị thơm ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Cua đồng nên ngâm nước khoảng vài tiếng để nhả sạch bùn đất.
  • Bạn có thể dùng giấm bỗng, me chua để thay thế cho cơm mẻ.
  • Hoa chuối sau khi bào sợi, bạn nên cho vào nước có vắt cốt chanh để không bị thâm đen.

Trên đây là những thông tin cần thiết cũng như chi tiết cách nấu lẩu riêu cua bắp bò thơm ngon, tròn vị. Chỉ cần thực hiện theo các bước này, bạn sẽ có ngay một món ăn vô cùng hấp dẫn để đổi thưởng thức cùng mọi người. Tiếp theo, mời các bạn khám phá cách làm lẩu nấm gà tại website của chúng tôi ngay nhé.

Nếu muốn học thêm nhiều công thức nấu ăn ngon, hãy tham gia lớp học tại Nghề Bếp Á Âu. Để đăng ký, bạn có thể điền thông tin vào form bên dưới hoặc gọi đến số điện thoại (0236) 3953 988 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn nhé!

The post Lẩu Riêu Cua Bắp Bò appeared first on Nghề Bếp Á Âu.



from Trường dạy nấu ăn, pha chế, làm bánh Hướng Nghiệp Á Âu https://nghebep.com/lau-rieu-cua-bap-bo

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Cà Ri Dê

Cà ri dê là món ăn hấp dẫn, thơm ngon. Với những yêu cầu như thịt mềm, nước sánh, màu đẹp, vị béo vừa phải, cách nấu cà ri dê cũng vì thế mà cầu kỳ không kém. Để có thể thưởng thức hương vị món ăn một cách trọn vẹn mà không sợ bị mùi hôi, hãy tham khảo chia sẻ của Nghề Bếp Á Âu về cách nấu cà ri dê ngon, hấp dẫn dưới đây.

Món cà ri dê

Món cà ri dê có hương vị đặc trưng thơm ngon, hấp dẫn

Thịt dê tốt cho sức khỏe như thế nào?

Thịt dê chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người như vitamin E, B1, 2, 3, 9, 12 và các khoáng chất: canxi, đồng, kẽm, sắt,… Đồng thời bổ sung nhiều protein và omega 3, 6.

Thịt dê là loại thực phẩm bổ dưỡng, có tác dụng giữ ấm, rất thích hợp ăn vào mùa lạnh. Theo đông y, thịt dê giúp chữa được nhiều chứng bệnh như lao phổi, người gầy yếu, dương sự kém, đau lưng, khí huyết hư tổn, ra nhiều mồ hôi, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ ít sữa sau khi sinh nở. Bên cạnh đó, thịt dê còn giúp thúc đẩy lưu thông máu, tăng thân nhiệt và các enzym giúp tiêu hóa thức ăn. Đồng thời chữa trị một số các bệnh làm suy giảm sinh lực của cơ thể như: lao, viêm phế quản, hen suyễn…

Các món ăn từ thịt dê rất được phái mạnh ưa chuộng vì dân gian quan niệm dê là loại thức ăn tăng cường sức khoẻ, đặc biệt là khả năng tình dục.

Cách nấu cà ri dê thơm ngon, hấp dẫn

Nguyên liệu

  • 600g thịt dê
  • 500ml nước dừa tươi
  • 300ml nước cốt dừa
  • 3 gói bột cà ri gói nhỏ
  • 3 củ khoai lang
  • 3 củ khoai tây
  • 1 gói sữa tươi
  • Hành tím, tỏi, gừng, sả
  • Các loại gia vị: hạt tiêu, hạt nêm…

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu ướp thịt dê

Tỏi, hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, cắt lát. Sả làm sạch, phần gốc băm nhuyễn, phần lá cắt khúc, đập dập.

Ướp thịt dê với gừng, tỏi, hành tím băm

Ướp thịt dê với gừng, tỏi, hành tím băm sẽ giúp món ăn hấp dẫn hơn. Ảnh: Internet

Bước 2: Sơ chế thịt dê

Thịt dê đem rửa với rượu trắng, gừng và muối. Chú ý xoa bóp thật kỹ để giảm mùi hôi. Sau đó xả lại nhiều lần với nước và để ráo.

Tiến hành đun nước sôi có thêm giấm, trụng sơ thịt dê để khử hết mùi hôi bên trong. Đem thịt cắt thành từng miếng vừa ăn.

Thịt dê

Thịt dê cần sơ chế thật kỹ để khử mùi hôi. Ảnh: Internet

Bước 3: Ướp thịt dê

Cho thịt dê vào âu và ướp với các gia vị gồm 1 ít gừng, tỏi, sả, hành tím băm đã sơ chế ở bước 1 cùng một 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh đường và 1 gói bột cà ri, trộn đều, để khoảng 30 phút cho thịt ngấm gia vị.

Bước 4: Sơ chế khoai

Khoai lang, khoai tây gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành từng miếng vừa ăn. Cho khoai vào hỗn hợp nước muối loãng để khoai không bị thâm đen. Sau đó vớt khoai ra, để ráo nước. Tiến hành chiên khoai cho vàng đều.

Khoai lang, khoai tây

Khoai lang, khoai tây là những nguyên liệu không thể thiếu cho món cà ri. Ảnh: Internet

Bước 5: Xào thịt dê

Đặt nồi lên bếp, đun nóng dầu ăn và phi vàng phần gừng, tỏi, sả, hành tím băm còn lại và sả đập dập. Trút thịt dê đã ướp vào xào cùng 2 gói bột cà ri. Đảo đều tay để thịt dê săn lại.

Bước 6: Nấu cà ri dê

Khi thấy thịt dê đã săn, tiến hành cho nước dừa tươi cùng 500ml nước lọc vào ninh. Đến khi thấy thịt mềm, bạn tiếp tục cho sữa tươi cùng khoai đã chiên vào nấu mềm. Cuối cùng là cho nước cốt dừa vào, khuấy đều tay và nấu thêm 10 phút, nêm nếp lại gia vị cho vừa ăn và tắt bếp.

thành phẩm cà ri dê

Bạn có thể cho thêm ớt nếu muốn món cà ri dê có chút vị cay. Ảnh: Internet

Bước 7: Trình bày và thưởng thức

Múc cà ri ra tô, ăn kèm với cơm nóng hoặc bánh mì rất ngon và hấp dẫn.

Thịt dê không nên ăn chung với gì?

Thịt dê rất ngon nhưng khi ăn, bạn cần chú ý tránh dùng cùng với các loại thực phẩm sau:

– Giấm: Giấm không phù hợp với thịt dê, không những khiến món ăn giảm giá trị dinh dưỡng mà còn giảm cả hương vị và công dụng giữ ấm. Bạn chỉ nên dùng giấm để sơ chế thịt dê thôi nhé.

– Dưa hấu: Thịt dê có tính dương, ấm, dưa hấu có tính hàn, không những làm giảm giá trị dinh dưỡng của thịt dê mà còn gây rối loạn tiêu hóa.

– Bí đỏ: Cả hai nguyên liệu này đều là thực phẩm có tính nóng, ăn với nhau rất dễ phát hỏa, nóng trong người, gây nhiệt.

– Nước trà: Thịt dê và nước trà là khắc tinh của nhau. Vì vậy, sau khi ăn thịt dê, bạn tuyệt đối không được uống trà. Với hàm lượng đạm trong thịt cao và trà có chứa nhiều acid tannic, khi kết hợp hai loại thực phẩm này sẽ tạo ra chất tannabil, khiến lượng nước trong đường ruột giảm đi, gây ra táo bón.

Cách nấu cà ri dê có công đoạn khá cầu kỳ nhưng hương vị lại vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. Nếu muốn học thêm nhiều công thức nấu ăn ngon, hãy tham gia lớp học tại Nghề Bếp Á Âu. Để đăng ký, bạn có thể điền thông tin vào form bên dưới hoặc gọi đến số điện thoại (0236) 3953 988 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn nhé!

The post Cà Ri Dê appeared first on Nghề Bếp Á Âu.



from Trường dạy nấu ăn, pha chế, làm bánh Hướng Nghiệp Á Âu https://nghebep.com/ca-ri-de

Mì Vịt Tiềm

Để có được bí quyết cách nấu mì vịt tiềm theo công thức gia truyền, đậm hương vị Trung Hoa không phải là điều đơn giản. Đặc biệt, những ai đang tìm một món ăn bổ dưỡng để thưởng thức và bồi bổ sức khỏe, lại càng phải chú ý đến cách xử lý thịt vịt sao cho không còn mùi hôi. Với công thức mà Nghề Bếp Á Âu (NBAAu) sắp giới thiệu dưới đây, đảm bảo bạn sẽ có được món mì thơm ngon, đậm đà, càng ăn càng ghiền.

Mì vịt tiềm

Mì vịt tiềm là món ăn của người Hoa nhưng không còn xa lạ với thực khách Việt. Ảnh: Internet

Mì vịt tiềm là một trong những món ăn của người Hoa di cư đến Sài Gòn và trở thành một phần của nền văn hóa ẩm thực nơi đây. Món ăn được lòng nhiều thực khách bởi vị ngọt thanh của nước dùng, thịt vịt mềm thơm, ăn kèm đu đủ ngâm chua ngọt không hề ngán, lại rất tốt cho sức khỏe. Với nhiều người, mì vịt tiềm được chuộng ăn bất cứ lúc nào, cả mùa nắng lẫn mùa mưa.

Nguyên liệu

  • Đùi vịt góc tư: 1 kg
  • Xương heo: 300g
  • Cải thìa: 300g
  • Nấm đông cô (nấm hương): 20g
  • Ngò rí: 50g
  • Hoa hồi: 5 cái
  • Quế: 5g
  • Thảo quả: 1g
  • Trần bì: 2g
  • Thục địa: 15g
  • Gừng: 30g
  • Riềng: 30g
  • Sả: 50g
  • Hành khô: 10g
  • Tỏi băm: 1 muỗng cà phê
  • Rượu trắng: 200ml
  • Đường phèn: 50g
  • Mì trứng: 300 – 500g
  • Gia vị: hắc xì dầu, nước tương, dầu mè, hạt nêm, đường, muối, tiêu xay

Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Để khử mùi hôi của vịt, trước hết bạn nhặt sạch lông vịt rồi rửa qua với nước. Sau đó, ngâm thịt vịt trong nước có pha rượu trắng và gừng đập dập khoảng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo. Cách làm này sẽ giúp thịt vịt thơm ngon hơn.

Dùng rượu và gừng để khử mùi hôi

Dùng rượu và gừng để khử mùi hôi của thịt vịt. Ảnh: Internet

Hành khô nướng xém vàng rồi bóc lớp vỏ ngoài.

Xương heo rửa sạch, chần sơ trong nước sôi khoảng 1 phút cho ra hết cặn bẩn rồi xả lại với nước lạnh.

Nấm đông cô ngâm với nước ấm cho nở mềm, vớt ra cắt bỏ chân nấm rồi rửa sạch bụi bẩn.

Cải thìa và ngò rí cắt bỏ gốc và lá vàng úa, rồi rửa sạch, để ráo.

Gừng và riềng cạo vỏ, rửa sạch, cắt lát. Sả bỏ gốc, bóc lớp vỏ ngoài, rửa sạch, cắt khúc 6 – 7cm rồi chẻ đôi.

Hoa hồi, quế, thảo quả, trần bì, thục địa rửa sạch. Riêng trần bì, bạn dùng dao gọt bớt phần cùi trắng bên trong để nước dùng không bị đắng. Thảo quả đập dập. Sau đó, cho tất cả các vị thuốc Bắc này vào chảo rang thơm.

Rang các loại thảo mộc cho dậy vị

Rang các loại thảo mộc cho dậy vị

Bước 2: Ướp và chiên vịt

Ướp thịt vịt với 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh hắc xì dầu, 1 muỗng canh dầu mè, 1 muỗng canh nước tương.

Dùng tay xoa bóp vịt cho thấm đều gia vị, ướp khoảng 10 – 15 phút.

Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào sao cho lượng dầu ngập nửa đùi vịt. Dầu nóng bạn cho gừng, riềng và sả vào chiên sơ cho xém vàng thì vớt ra để riêng. Tiếp đến, cho thịt vịt đã ướp vào chiên đến khi vàng đều các mặt.

Chiên vịt cho vàng đều

Chiên vịt cho vàng đều. Ảnh: Internet

Bước 3: Nấu nước dùng

Xương heo sau khi sơ chế cho vào nồi cùng với 2 lít nước và hành khô đã nướng, hầm xương trong 30 phút để lấy nước dùng.

Tiếp đến, thêm vào nồi 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh muối, 50g đường phèn, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh hắc xì dầu cùng với hoa hồi, quế, thảo quả, trần bì, thục địa. Nấu nước dùng sôi, để lửa nhỏ 15 phút rồi vớt các loại thảo mộc này ra.

hành khô nướng

Dùng hành khô nướng để tạo nên hương thơm đặc trưng cho nước dùng

Bước 4: Hầm thịt vịt

Bạn cho thịt vịt đã chiên vàng và nấm đông cô vào nồi nước dùng. Đun cho sôi lại rồi hạ lửa nhỏ liu riu, nấu thêm khoảng 1 tiếng nữa cho vịt mềm nhừ. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.

Sau khi nấu đủ thời gian, bạn tắt bếp là đã hoàn thành xong phần nước dùng cho món mì vịt tiềm đầy bổ dưỡng.

Nêm nếm nước dùng cho vừa miệng

Nêm nếm nước dùng cho vừa miệng. Ảnh: Internet

Bước 5: Trình bày và thưởng thức

Bắc một nồi nước sôi lên bếp, cho rau cải thìa vào chần trong 2 phút rồi vớt ra, thả vào tô nước lạnh để rau được xanh. Tiếp tục cho mì trứng vào luộc vừa chín tới, thêm 2 muỗng cà phê dầu ăn vào nồi nước giúp mì không bị dính lại với nhau.

Luộc mì vừa chín tới

Luộc mì vừa chín tới

Xếp mì vào tô, thêm cải thìa, nấm hương rồi chan nước dùng nóng vào, cuối c     ùng cho miếng đùi vịt lên trên, rắc thêm ngò rí cắt nhuyễn, chút tiêu xay để tăng thêm hương vị và thưởng thức.

thưởng thức tô mì vịt tiềm

Vào buổi chiều mát trời, được thưởng thức tô mì vịt tiềm nóng hổi thì còn gì thú bằng. Ảnh: Internet

Yêu cầu thành phẩm

Thịt vịt mềm, thấm vị đậm đà, phần da có màu nâu vàng đẹp mắt, ăn vừa giòn vừa dẻo.

Nước dùng đậm vị nhưng không nồng gắt mà thơm dịu và dậy mùi thuốc Bắc.

Sợi mì vẫn giữ được dộ dai mềm. Nấm đông cô thơm lừng hấp dẫn.

Mẹo và lưu ý

Trong quá trình hầm xương, bạn không nên đậy nắp vung và thường xuyên vớt bọt để nước dùng được trong.

Ngoài xương heo, bạn có thể dùng xương gà để hầm lấy nước dùng cũng được. Nếu muốn dùng mì vịt tiềm cho bữa sáng, bạn nên hầm xương vào tối hôm trước.

Nếu có thời gian, bạn nên ướp thịt vịt qua đêm cho thấm vị.

Thục địa giúp cho nước dùng có màu đen, nên bạn có thể thêm hay bớt nguyên liệu này tùy thích.

Thay vì dùng loại mì trứng thông thường, bạn hãy mua loại mì tươi Trung Quốc món ăn sẽ đúng hương vị truyền thống hơn.

Mì tươi Trung Quốc

Mì tươi Trung Quốc. Ảnh: Internet

Như vậy, bạn hoàn thành cách nấu mì vịt tiềm chuẩn vị người Hoa rồi đấy. Món ăn tuy có hơi cầu kỳ về nguyên liệu và phương pháp chế biến, nhưng bù lại bạn sẽ được thưởng thức món mì hấp dẫn, không hề uổng công sức bỏ ra đâu. Hãy áp dụng công thức trên đây và trổ tài nội trợ với món mì vịt tiềm để chiêu đãi cả nhà một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.

Nếu có ý định kinh doanh món ăn này, đừng bỏ qua các khóa học nấu món Hoa hoặc học riêng một buổi dạy yêu cầu về món mì vịt tiềm để có được bí quyết trong công thức của các đầu bếp Hoa giàu kinh nghiệm. Điền vào form bên dưới hoặc gọi đến tổng đài miễn phí 1800 6148 để nhận thông tin chi tiết về chương trình học tại NBAAu.

The post Mì Vịt Tiềm appeared first on Nghề Bếp Á Âu.



from Trường dạy nấu ăn, pha chế, làm bánh Hướng Nghiệp Á Âu https://nghebep.com/mi-vit-tiem